TPHCM thêm 7 cảng cạn để phát huy lợi thế 1.000km đường thủy

TPHCM thêm 7 cảng cạn để phát huy lợi thế 1.000km đường thủy

Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (gồm TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) đảm trách thông quan khoảng 43% tổng khối lượng hàng và chiếm khoảng 72% tổng khối lượng hàng container thông qua cảng biển cả nước.

Tuy nhiên, trong vùng Đông Nam Bộ hiện có khoảng 12 cảng cạn (IDC), trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực Trường Thọ (TPHCM), Bình Dương và Đồng Nai. Phương thức vận tải hàng hóa tới các ICD trong vùng chủ yếu là bằng đường bộ (chiếm 65-70%) và đường thủy nội địa chiếm khoảng 30-35%.

Trong thời gian qua, ước tính có khoảng 30-40% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container đã làm thủ tục hải quan tại các cảng cạn trong vùng.

Ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM – cho biết, hệ thống cảng cạn có sự hỗ trợ lớn hơn về năng lực cho hệ thống cảng biển, đặc biệt cảng biển khu vực TPHCM, tạo hiệu quả về chi phí vận tải do sử dụng đường thủy nội địa. Thời gian tới TPHCM sẽ kêu gọi đầu tư thêm 7 cảng cạn theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, lớn nhất là Cảng cạn Long Bình với diện tích khoảng 54ha. Cảng này phục vụ cho việc di dời cảng Trường Thọ, chủ yếu tiếp nhận hàng hóa từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương (giai đoạn hiện tại khoảng 20 triệu tấn/năm, tăng trưởng bình quân 10%/năm) để vận chuyển bằng đường thủy đi đến các khu vực Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép.

Còn ở hướng Tây TPHCM, tại khu vực tiếp giáp giữa đại lộ Võ Văn Kiệt và đường cao tốc TPHCM – Trung Lương sẽ xây dựng cảng cạn Tân Kiên rộng 50ha. Cảng này vừa nằm kế sông Chợ Đệm, vừa ở ngã ba hai tuyến đường nêu trên, lại trong khu vực dự kiến xây ga đường sắt quốc gia Tân Kiên. Như vậy khi hình thành thì nơi đây sẽ là đầu mối của ba loại hình vận tải thủy – bộ – sắt.

Ở hướng Tây Bắc, TPHCM sẽ xây cảng cạn Củ Chi rộng 15 – 20ha. Cảng này không chỉ phục vụ cho các khu công nghiệp ở huyện Củ Chi mà còn cả Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, giúp đưa hàng về cảng Cát Lái qua sông Sài Gòn. Các cảng cạn còn lại gồm: Cảng cạn ngã ba Mũi Đèn Đỏ (15 – 20ha); cảng cạn Linh Trung (9ha); cảng cạn Hóc Môn (10-20ha).

Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho hay, tổng nguồn vốn đầu tư xây mới các cảng này hơn 10.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách TPHCM khoảng 1.000 tỉ đồng, còn lại là vốn từ Trung ương, vốn PPP.

“Việc xây dựng và đưa vào khai thác 7 cảng mới cũng như nâng cấp những cảng hiện hữu, nạo vét luồng, đầu tư hàng loạt tuyến thủy nội địa… trong giai đoạn 2021-2030 sẽ góp phần phát huy tốt lợi thế 1.000km đường thủy của TPHCM và đặc biệt có thể san sẻ 60% với vận tải đường bộ” – ông An nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.