Tạm nhập – Tái xuất là gì?
Tạm nhập, tái xuất là hình thức hàng hóa được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam (được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam) làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam theo Điều 29 Luật Thương mại 2005.
Tạm nhập là việc cho hàng hóa nước ngoài quá cảnh trên lãnh thổ một quốc gia trong một thời gian nhất định trước khi xuất sang thị trường nước thứ ba.
Tái xuất là quá trình tiếp sau của tạm nhập. Sau khi làm thủ tục thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam thì sẽ được xuất khẩu tới một quốc gia khác. Bản chất hàng hóa được xuất khẩu hai lần nên gọi là tái xuất.
Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và Hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.
Xem thêm: Các hình thức trung chuyển hàng hóa quốc tế phổ biến hiện nay
Các hình thức tạm nhập tái xuất
Tạm nhập, tái xuất theo hình thức kinh doanh
Với hình thức này, tạm nhập, tái xuất sẽ được coi là một ngành, nghề kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Thương nhân được phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất khi được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và được Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa.
Tạm nhập, tái xuất theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn
Thương nhân Việt Nam có quyền ký kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài về hàng hóa tạm nhập tái xuất với mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn trừ trường hợp là hàng hóa thuộc diện cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất nhập khẩu. Sau khi tiến hành bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hàng hóa tạm nhập tái xuất trong một khoảng thời gian nhất định thì thương nhân nước ngoài lại tiếp tục tái xuất hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thời gian tạm nhập, tái xuất được xác định tùy từng mặt hàng cụ thể, trang thiết bị, trình độ, nhu cầu bảo hành. Do đó, các bên thương nhân có quyền tự thỏa thuận với nhau một khoảng thời gian hợp lý trong hợp đồng ký kết.
Tạm nhập tái xuất để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài
Hoạt động này được hiểu là thương nhân nước ngoài đặt hàng với thương nhân Việt Nam về việc tái chế, bảo hành hàng hóa đích danh cho thương nhân nước ngoài chỉ định. Sau khi tái chế, bảo hành thì thương nhân Việt Nam sẽ xuất trả lại hàng hóa đó cho chính thương nhân nước ngoài đã đặt hàng. Được thực hiện tại các cơ quan Hải quan và không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.
Hàng hóa sau khi tạm nhập vào Việt Nam để tái chế, bảo hành thì sẽ được tái xuất trở lại chính thương nhân nước ngoài đã xuất khẩu ban đầu sang cho Việt Nam chứ không phải là tái xuất sang nước thứ ba hay một thương nhân nước ngoài nào khác như hai hình thức trên.
Tạm nhập tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
Mục đích của hình thức này là đưa thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng, kích cầu giao thương trong và ngoài nước. Do đó không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất mà chỉ phải thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu tại cơ quan hải quan. Ngoài quy định của Luật Thương mại, thương nhân còn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quy định về triển lãm, hội chợ.
Tạm nhập tái xuất sản phẩm vì mục đích nhân đạo và mục đích khác
Trong những trường hợp nhất định do điều kiện về trang thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong nước và các tổ chức nước ngoài vì mục đích nhân đạo muốn đưa các trang thiết bị y tế vào để hỗ trợ Việt Nam thì sẽ xuất hiện hình thức tạm nhập tái xuất các máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Hình thức này không cần có Giấy phép tạm nhập tái xuất.
Trong trường hợp đặc biệt cần tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa là vũ khí; khí tài; trang thiết bị quân sự; an ninh; nhằm mục đích phục vụ mục đích quốc phòng an ninh thì cần có sự xem xét, cho phép của Bộ Quốc phòng; Bộ Công an.
Ví dụ: Với lý do điều kiện về trang thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong nước, từ vấn đề này có một số tổ chức nước ngoài với mong muốn giúp đỡ Việt Nam trên cơ sở vì mục đích nhân đạo và muốn đưa các trang thiết bị y tế vào để hỗ trợ Việt Nam thì sẽ xuất hiện hình thức tạm nhập tái xuất các máy móc; trang thiết bị; dụng cụ khám chữa bệnh của nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.