Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 72/2022/TT-BTC ngưng hiệu lực của Thông tư số 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (Danh mục 2022).
Theo đó, Bộ Tài chính quyết định ngưng hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022 đến hết ngày 29/12/2022 đối với Thông tư 31/2022/TT-BTC.
Trong thời gian ngưng hiệu lực của Thông tư 31/2022/BTC, các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định tại Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Thông tư 09/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các phụ lục của Thông tư 65/2017/TT-BTC tiếp tục có hiệu lực thi hành.
Để triển khai thực hiện các quy định, Tổng cục Hải quan đã phát đi công văn yêu cầu các đơn vị nhanh chóng thông tin rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp đang thực hiện đăng ký thủ tục hải quan tại địa bàn quản lý.
Trước đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thay thế Thông tư 65/2017/TT-BTC và Thông tư 09/2019/TT-BTC.
Danh mục 2022 gồm 21 phần, 97 chương, 1.228 nhóm ở cấp độ 4 số, 1.084 phân nhóm ở cấp độ 6 số và được chi tiết thành 11.414 dòng hàng ở cấp độ 8 số (tăng 601 dòng hàng so với Danh mục 2017).
So với Danh mục 2017 và Danh mục 2019, Danh mục 2022 tập trung vào việc cập nhật những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, thương mại của một số nhóm hàng để phù hợp với tình hình thực tế, bao gồm các ngành hàng thủy sản, thực phẩm chế biến, thuốc lá, hóa chất, dược phẩm, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, tác phẩm nghệ thuật…
Theo đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), Danh mục 2022 tuân thủ hoàn toàn Danh mục HS phiên bản 2022 ở cấp độ 6 số và Danh mục AHTN phiên bản 2022 ở cấp độ 8 số.
Ngay sau khi Thông tư 31/2022/TT-BTC được ban hành, Tổng cục Hải quan đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới tại Danh mục 2022 đến các đơn vị trong toàn ngành. Mặc dù vậy, để đảm bảo việc tổ chức thực hiện hiệu quả, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kịp thời nắm bắt những thay đổi tại Danh mục 2022 để tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cụ thể cho cán bộ công chức thừa hành và doanh nghiệp.
Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo theo Danh mục 2022 để tránh thiếu thông tin dẫn tới phân loại sai, không chính xác. Trong đó, cán bộ công chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế khai báo theo quy định tại Quy trình 1921/QĐ-TCHQ ngày 28/6/2018. Trường hợp có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cần kịp thời báo cáo về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.
Theo: Báo công thương
Có thể bạn quan tâm
Xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó
Tại sao có kỳ tích cụm cảng Cái Mép vào top 11 thế giới