Giảm thuế là gì? Hoàn thuế là gì? Đâu là CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC GIẢM THUẾ, HOÀN THUẾ xuất nhập khẩu? Hãy cùng Nguyên Đăng tìm hiểu thông qua bài viết này nhé
Giảm thuế là việc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi nộp thuế cho nhà nước được giảm một phần tiền thuế trong tổng thuế mà đáng ra doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước cho lô hàng xuất nhập khẩu. Số tiền thuế được giảm phụ thuộc vào những điều kiện nhất định
Hoàn thuế là việc doanh nghiệp được trả lại số tiền thuế bị thu quá, thu sai quy định trong quá trình xuất nhập khẩu.
GIẢM THUẾ
Các trường hợp được giảm thuế
Điều 18 Chương IV- Luật thuế XNK số 107/2016/QH13 quy định
Điều 18. Giảm thuế
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang trong quá trình giám sát của cơ quan hải quan nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định chứng nhận thì được giảm thuế.
Mức giảm thuế tương ứng với tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị hư hỏng, mất mát toàn bộ thì không phải nộp thuế.
Quy định chi tiết tại Điều 111 Thông tư số 38 /2015/TT-BTC ngày 25/03/2015
Điều 111. Các trường hợp xét giảm thuế
- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đang trong quá trình giám sát của cơ quan hải quan, nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định chứng nhận thì được xét giảm thuế tương ứng với tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hoá.
- Nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại một phần hoặc còn giá trị sử dụng do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, được giảm thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu tương ứng với tỷ lệ tổn thất (trừ trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương trong sự kiện giàn khoan HD981 có hướng dẫn khác của Bộ Tài chính thì thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản đó), nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Đã thông quan và được cơ quan chức năng xác định rõ có thiệt hại thực tế do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ và tỷ lệ thiệt hại;
b) Được cơ quan hải quan kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ liên quan, xác định không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.
Trường hợp nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây ra có thực hiện bảo hiểm và đã được cơ quan bảo hiểm bồi thường thiệt hại bao gồm cả tiền thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng thì không được xử lý giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
Hồ sơ xin giảm thuế
Quy định chi tiết tại Điều 112 Thông tư số 38 /2015/TT-BTC ngày 25/03/2015
Điều 112. Hồ sơ xét giảm thuế
- Người nộp thuế nộp các chứng từ sau:
a) Công văn yêu cầu xét giảm thuế của người nộp thuế trong đó nêu rõ loại hàng hoá, số lượng, trị giá, số tiền thuế, lý do xin giảm thuế, số tờ khai hải quan; trường hợp có nhiều loại hàng hoá, thuộc nhiều tờ khai hải quan khác nhau thì phải liệt kê các loại hàng hoá, các tờ khai hải quan xét giảm thuế; cam kết kê khai chính xác, cung cấp đúng hồ sơ đề nghị giảm thuế: nộp 01 bản chính.
Đối với trường hợp nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 111 Thông tư này: tại công văn đề nghị xét giảm thuế nhập khẩu, thuế giá gia tăng phải nêu rõ nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, tỷ lệ tổn thất của nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu, số tiền thuế đề nghị được giảm và cam đoan chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo;
b) Biên bản xác nhận nguyên nhân thiệt hại của cơ quan chức năng tại địa bàn nơi phát sinh thiệt hại như: Biên bản xác nhận vụ cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy của địa phương nơi xảy ra vụ cháy; văn bản xác nhận của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại cho nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu: 01 bản chính, đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 Thông tư này;
c) Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hoá nhập khẩu: nộp 01 bản chính;
d) Hợp đồng bảo hiểm, thông báo trả tiền bồi thường của tổ chức nhận bảo hiểm (nếu có): nộp 01 bản chụp;
e) Hợp đồng/biên bản thỏa thuận đền bù của hãng vận tải đối với trường hợp tổn thất do hãng vận tải gây ra (nếu có): nộp 01 bản chụp.
Trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định tại Điều 111 Thông tư này nhưng không mua bảo hiểm thì hồ sơ xét giảm thuế không bao gồm chứng từ được nêu tại điểm d, điểm đ khoản này, người nộp thuế có cam kết về việc không mua bảo hiểm tại công văn đề nghị quy định tại điểm a khoản này; hoặc đối với trường hợp Hợp đồng bảo hiểm không bao gồm nội dung bồi thường về thuế thì phải có xác nhận của cơ quan bảo hiểm: 01 bản chính.
- Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy, ngoài các chứng từ nêu tại khoản 1 nêu trên, người nộp thuế nộp thêm tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này: 01 bản chụp.
HOÀN THUẾ
Các trường hợp được hoàn thuế
Quy định tại Điều 19 Chương IV- Luật thuế XNK số 107/2016/QH13 ngày 06/04/2016
Điều 19. Hoàn thuế
- Các trường hợp hoàn thuế:
a) Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu nhưng không có hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu hoặc nhập khẩu, xuất khẩu ít hơn so với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu đã nộp thuế;
b) Người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu nhưng hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu;
c) Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu;
d) Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm;
e) Người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan.
Số tiền thuế nhập khẩu được hoàn lại xác định trên cơ sở trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất khẩu tính theo thời gian sử dụng, lưu lại tại Việt Nam. Trường hợp hàng hóa đã hết trị giá sử dụng thì không được hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp.
Không hoàn thuế đối với số tiền thuế được hoàn dưới mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
- Hàng hóa quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.- Các trường hợp cần HOÀN THUẾ hay gặp nhất trong khi làm tủ tục hải quan gồm: Hoàn thuế do nộp bổ sung CO ưu đãi, hoàn thuế khi hủy tờ khai đã nộp thuế, hoàn thuế do nộp thuế 2 lần/1 tờ khai, hoàn thuế khi hàng xuất khẩu/nhập khẩu đã nộp thuế phải tái nhập/ tái xuất.
Hồ sơ hoàn thuế
Thủ tục hoàn thuế đối với các trường hợp a, b,c quy định tại điều 49 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015
a) Hồ sơ bao gồm:
a.1) Công văn đề nghị xử lý tiền thuế nộp thừa, tiền chậm nộp, tiền phạt – Mẫu 27/ CVĐNHNT/TXNK): 01 bản chính , trong đó nêu rõ:
Số tờ khai hải quan; số chứng từ nộp thuế, tiền chậm nộp; số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp; số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp; số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; lý do nộp thừa, hướng xử lý;
a.2) Các chứng từ, tài liệu chứng minh số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa: 01 bản chụp (trừ trường hợp khi đăng ký tờ khai hải quan, người nộp thuế đã nộp chứng từ này trong hồ sơ hải quan);
a.3) Biên lai nộp phạt: nộp 01 bản chụp.
b) Cơ quan hải quan nơi người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ do người nộp thuế nộp, đối chiếu với hồ sơ hải quan gốc lưu tại đơn vị, tính chính xác, đúng quy định của hồ sơ và xử lý như sau:
b.1) Trường hợp xác định thực tế số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp; kê khai của người nộp thuế là chính xác thì ban hành quyết định hoàn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo mẫu số 11/QĐHT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư ;
b.2) Trường hợp xác định thực tế số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp nhưng kê khai của người nộp thuế về số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa chưa chính xác thì thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế biết và ban hành quyết định hoàn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa phù hợp với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đúng theo quy định;
b.3) Trường hợp xác định thực tế không có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp; cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế biết, nêu rõ cơ sở xác định không có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.
c) Thời hạn cơ quan hải quan xử lý hồ sơ nêu tại điểm b khoản này là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị trả lại tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa;
d) Trên cơ sở quyết định hoàn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; cơ quan hải quan nơi người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa phải thanh khoản số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa và cập nhật các thông tin số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa trên Hệ thống của cơ quan hải quan.
Các trường hợp khác bạn có thể tham khảo chi tiết quy định ở Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015, điều từ 115- 128
Như vậy bạn đã biết các trường hợp được giảm thuế, hoàn thuế xuất nhập khẩu rồi đấy! Mọi thắc mắc xin để lại comment hoặc liên hệ trực tiếp tại Fanpage Nguyên Đăng